Giáo lý Chính_thống_giáo_Đông_phương

Một phần trong loạt bài về
Kitô giáo
 Chủ đề Cơ Đốc giáo

Ba Ngôi

Tín hữu Chính thống giáo tin một Thiên Chúa duy nhất, hiện hữu trong Ba Ngôi vị (Hypostases) là Cha và Con và Thánh Linh. Chúa Cha tự hữu, Chúa Con sinh bởi Chúa Cha và Chúa Thánh Linh nhiệm xuất từ Chúa Cha. Thiên Chúa là Ba Ngôi hiệp nhất trong một Bản thể (Ousia), không lẫn giữa các ngôi với nhau, cũng không phân chia bản thể – Thiên Chúa duy nhất là Đấng tự hữu, hằng hữu, vĩnh cửu, và phi vật chất.[4] Xác tín này được trình bày trong bản Tín điều Nicaea.[5]

Tội lỗi và sự Cứu rỗi

Bản chất của con người, trước khi sa ngã, là tinh tuyền và vô tội. Nhưng hành động bất tuân Thiên Chúa của AdamEva trong Vườn Eden đã để tội lỗi và sự bại hoại thâm nhập vào bản chất tinh tuyền ấy. Tình trạng bất khiết này đã ngăn cản con người hưởng Vương quốc Thiên đàng. Song, khi Thiên Chúa hóa thân thành người trên dương thế, ngài đã thay đổi bản chất ấy bằng cách hiệp nhất con người với Thiên Chúa; do đó, Chúa Kitô thường được gọi là "Adam mới". Bằng cách trở thành người, chết trên cây thập tự, và sống lại, ngài đã thánh hóa các phương tiện ân điển, nhờ đó chúng ta được trở lại với tình trạng tinh tuyền nguyên thủy và phục hòa với Thiên Chúa. Điều này Chính thống giáo gọi là được cứu khỏi tình trạng bệnh tật của tội lỗi. Quyền năng của sự cứu rỗi giải thoát mọi người công chính khỏi quyền lực trói buộc của tội lỗi, kể từ buổi sáng thế, trong đó có cả Adam và Eva.

Phục sinh

Sự Phục sinh của Chúa Giê-su là sự kiện quan trọng nhất mà lịch phụng vụ Chính thống giáo đặt làm trọng tâm. Chính thống giáo tin đây là một sự kiện lịch sử và Chúa Giê-su thật sự sống lại trong thân xác. Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, bị đóng đinh, sau khi chết, đến ngày thứ ba Ngài sống lại để cứu rỗi nhân loại. Ngài đã giải thoát loài người khỏi quyền lực của hỏa ngục. Như thế, mọi kẻ tin Ngài đều có thể thông phần vào sự sống vĩnh hằng.

Thánh Kinh và Thánh Truyền

Chính thống giáo xem mình là sự nối tiếp lịch sử từ hội thánh tiên khởi được thành lập bởi Chúa Giê-su và các sứ đồ.[6] Đức tin được truyền dạy bởi Chúa Giê-su và các sứ đồ mặc lấy sức sống bởi Chúa Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, được gọi là Thánh Truyền (Truyền thống thánh).[7] Lời chứng chủ yếu và có thẩm quyền cho Thánh Truyền là Kinh Thánh, được viết ra và được chuẩn thuận bởi các sứ đồ để ký thuật chân lý được mặc khải và lịch sử tiên khởi của hội thánh. Bởi vì Thánh Kinh được linh hứng, nên được xem là trọng tâm của sự sống hội thánh.

Theo quan điểm Chính thống giáo, Thánh Kinh luôn được giải thích trong nội hàm của Thánh Truyền. Thánh Truyền đã hình thành và quy điển Thánh Kinh. Tín hữu Chính thống giáo tin rằng Thánh Kinh không độc lập với giáo hội, do dó, cách duy nhất để hiểu Thánh Kinh là giải thích Thánh Kinh trong nội dung truyền thống giáo hội.[8]

Thánh Truyền còn bao gồm lễ nghi, ảnh thánh, phán quyết của các công đồng và giáo huấn của các Giáo phụ. Từ sự đồng thuận của các Giáo phụ (consensus patrum) mà người ta có thể hiểu biết sâu sắc và đầy đủ hơn về đời sống của giáo hội. Tín hữu Chính thống giáo tin rằng quan điểm của từng giáo phụ riêng lẻ không được xem là vô ngộ (không sai lầm), nhưng sự đồng thuận của các giáo phụ sẽ giúp mang đến một sự hiểu biết chân xác về Thánh Kinh và các giáo thuyết, nhờ sự hướng dẫn của Chúa.[9]

Theotokos và các Thánh

Đức Mẹ Vladimir, một trong những bức linh ảnh được tôn kính nhất của Nga.

Chính thống giáo tin rằng sự chết và sự tách rời linh hồn khỏi thể xác vốn là điều không bình thường, là hậu quả của tình trạng sa ngã của loài người. Họ cũng tin rằng hội thánh bao gồm người sống và người đã khuất. Mọi người đang sống trên thiên đàng đều là thánh, dù tên tuổi của họ có được biết đến hay không. Tuy nhiên, có những vị thánh đặc biệt mà Chúa muốn chúng ta biết để noi theo. Khi một vị thánh được đa số trong giáo hội thừa nhận, một buổi lễ vinh danh được cử hành cho vị thánh này. Điều này không có nghĩa là phong thánh cho vị ấy, nhưng chỉ đơn giản là thừa nhận vị thánh và công bố cho toàn thể hội thánh được rõ. Các thánh được tôn kính nhưng không được sùng bái. Sự thờ phượng chỉ dành cho Thiên Chúa.[10]

Nổi bật giữa các thánh là Nữ Đồng trinh Maria, Theotokos ("Mẹ Thiên Chúa"). Theotokos là người được Thiên Chúa tuyển chọn để trở nên Mẹ của Chúa Giê-su, Đấng là Chúa thật và là Người thật. Chính thống giáo tin rằng ngay từ lúc hoài thai, Đức Giê-su đã vừa là Thiên Chúa trọn vẹn vừa là Người trọn vẹn. Maria được gọi là Theotokos là sự xác định rõ ràng thần tính của Đấng được hoài thai trong thân xác của bà. Tín hữu Chính thống giáo tin rằng Maria là đồng trinh khi sinh hạ Chúa Giê-su, bà không bị đau đớn, cũng không bị tổn thương, và bà đồng trinh mãi mãi. Do vị trí đặc biệt của Maria trong công cuộc cứu rỗi, bà được tôn trọng hơn các thánh khác.[11]Do sự thánh khiết trong cuộc đời các thánh, thân thể và vật dụng của mẹ được giáo hội xem là thánh tích. Người ta thuật lại nhiều phép lạ liên quan đến các thánh tích, như chữa bệnh và chữa lành các vết thương.

Chung thời học

Chính thống giáo tin rằng khi chết linh hồn "tạm thời" tách rời khỏi thể xác, có thể sẽ ở một thời gian ngắn trên đất; sau khi chịu xét xử tạm thời sẽ được đưa đến một trong hai nơi chốn (trạng thái): trong lòng tổ phụ Abraham là nơi an lạc (Paradise) hoặc trong bóng tối của âm phủ (Sheol hay Hades). Linh hồn ở trong tình trạng này cho đến ngày Phán xét Cuối cùng, khi đó linh hồn và thể xác được hợp nhất.[12] Theo quan điểm này, tình yêu và lời cầu nguyện của người công chính có thể mang lại lợi ích cho các linh hồn đang ở âm phủ cho đến khi họ ứng hầu trong ngày phán xét chung thẩm.[13] Đó là lý do giáo hội dành những ngày đặc biệt để cầu nguyện cho người chết. Chính thống giáo không công nhận giáo lý về Luyện ngục (Purgatory) như Công giáo Rôma nhưng cả hai giáo hội đều nhấn mạnh tới sự cầu nguyện cho những người đã chết là những người trong âm phủ hoặc những người được cứu rỗi nhưng đang được thanh luyện trong Luyện ngục.

Dù được xem là một phần của Kinh Thánh, sách Khải Huyền, theo quan điểm Chính thống giáo, là sách thần bí. Không chỉ có rất ít luận giải về nội dung, sách Khải Huyền không bao giờ được đọc trong các lễ thờ phượng trong nhà thờ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chính_thống_giáo_Đông_phương http://www.adherents.com/Na/Na_264.html http://www.ewtn.com/library/ENCYC/B14ALLAT.HTM http://www.kurskroot.com/orthodox_dictionary.html http://www.pravoslavieto.com/docs/eng/Orthodox_Cat... http://www.antiochian.org/node/19273 http://www.ccel.org/ccel/schaff/npnf204.vii.ii.i.h... http://www.ccel.org/ccel/schaff/npnf204.vii.ii.liv... http://www.holy-trinity-church.org/index.php?optio... http://orthodoxeurope.org/page/10/1.aspx http://orthodoxpraxis.org/?p=509